Ở Việt Nam có 1.000 trẻ sinh ra thì có 1,8 bé bị bại não, tương đương các nước phát triển trên thế giới, trẻ trai mắc nhiều hơn gái.
Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi, trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn, hay trong thời kỳ trẻ nhỏ. Bại não là bệnh không tiến triển, không lây. Việc luyện tập và vật lý liệu pháp có thể cải thiện chức năng vận động.
Tại các nước phát triển, tỷ lệ mắc bại não 1,8-2,3 trên 1.000 trẻ sơ sinh sống. Tại Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 1,8 phần nghìn, chiếm gần 32% số trẻ tàn tật. Bại não gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái.
Những năm 1890, William Little, phẫu thuật viên người Anh, đã mô tả trường hợp đầu tiên về rối loạn khó chữa ảnh hưởng đến trẻ em trong những năm đầu đời gây nên các cơn co cứng ở hai chi dưới, mức độ giảm hơn ở hai chi trên. Những trẻ này thường khó cầm đồ vật, bò hoặc bước đi và không tiến triển khi lớn lên. Tình trạng này được gọi là bệnh Little trong nhiều năm, hiện nay gọi là liệt hai chi dưới co cứng. Đây là một trong những rối loạn ảnh hưởng đến kiểm soát vận động do tổn thương não và được xếp vào thuật ngữ bại não. Hầu hết trẻ bại não được sinh non tháng hoặc thiếu oxy trong lúc sinh, William Little cho rằng tình trạng thiếu oxy đã làm tổn thương các mô não liên quan kiểm soát vận động cơ thể.
Năm 1987, nhà tâm thần học nổi tiếng Freud Sigmund cũng đồng ý với nhận xét của Little. Trẻ bại não thường có các biểu hiện khác như chậm phát triển tâm thần, co giật và rối loạn thị giác.
Nguyên nhân bại não
Bại não không phải là rối loạn do một nguyên nhân duy nhất. Đây là một nhóm các rối loạn kiểm soát vận động giống nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bại não bẩm sinh do các tổn thương não xảy ra khi thai nhi còn nằm trong tử cung hoặc trong khi sinh (chiếm 70%). Ở Mỹ có khoảng 10% trẻ bị bại não sau khi sinh. Các tổn thương não xảy ra ở trẻ trước 5 tuổi, sau các nhiễm khuẩn thần kinh hay chấn thương sọ não.
Các nguyên nhân gây bại não thường là do:
Dấu hiệu sớm của bại não
Các dấu hiệu bại não thường khởi đầu trước 18 tháng tuổi. Cha mẹ là người đầu tiên cho rằng trẻ không phát triển được kỹ năng vận động bình thường. Trẻ chậm lẫy, chậm bò, chậm biết đi so với mốc phát triển bình thường.
Trẻ bị giảm trương lực cơ, chi mềm nhũn, buông thõng, hoặc tăng trương lực cơ: Trẻ cứng đờ hoặc vận động cứng nhắc.
Dấu hiệu lâm sàng
- Thể co cứng (chiếm 70-80% trường hợp): Các cơ cứng nhắc và co cứng thường xuyên. Co cứng hai chân hoặc nửa người, hay gặp ở phía nửa người trái.
- Thể loạn trương lực (chiếm 10-20% trường hợp): Có những vận động bất thường ở hai chân và hai tay. Mặt nhăn nhó, nói khó, chảy nước dãi, là vận động bất thường ở mặt, lưỡi và cơ phát âm, tuy nhiên ít gặp). Các vận động bất thường này mất khi đi ngủ. Ở trẻ lớn, biểu hiện là viết chậm, không kiểm soát được động tác.
- Thể thất điều (5-10% trường hợp): Bước đi khó khăn, loạng choạng, khó thực hiện động tác chính xác. Run tay, run chân.
Ảnh hưởng của bại não
Tùy theo vùng não bị tổn thương mà trên lâm sàng biểu hiện các triệu chứng đa dạng: Co cứng gấp, nuốt khó, nói khó, rối loạn tư thế hoặc vận động. Có thể rối loạn chức năng các giác quan như điếc, mất ngửi, giảm thị lực. Đôi khi co giật, chậm phát triển tâm thần, bất thường về hô hấp, rối loạn đi tiêu tiểu, mất khả năng học tập.
Điều trị
Chủ yếu là quá trình chăm sóc trẻ, giúp trẻ phát triển tối đa. Chữa trị cần bắt đầu từ rất sớm ngay khi phát hiện bệnh của trẻ.
Trẻ cần được chăm sóc phối hợp với sự kết hợp của bác sĩ điều trị, nhân viên vật lý trị liệu, giáo viên, nhân viên công tác xã hội.
Điều trị bằng nội khoa, phẫu thuật và phục hồi chức năng giúp cải thiện sự phối hợp động tác cơ và dây thần kinh, phòng ngừa hoặc làm giảm tối thiểu các rối loạn chức năng.
Ở những trẻ bại não trưởng thành, cần giáo dục, tư vấn, các chương trình giải trí, được đến trường, cơ hội việc làm, hòa nhập cộng đồng, nhu cầu thiết yếu như đối với người trưởng thành bình thường, xây dựng gia đình và cuộc sống riêng.
Phòng bệnh
Có nhiều biện pháp phòng bệnh bại não trước sinh. Bà mẹ cần được theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ. Xét nghiệm yếu tố Rh, dự phòng hậu quả của bất đồng nhóm máu. Nếu có bất đồng nhóm máu thì trẻ phải được thay máu hoặc điều trị vàng da ngay từ những ngày đầu sau sinh.
Các bà mẹ cần được phát hiện và điều trị các bệnh mạn tính, các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục-tiết niệu, tiêm phòng bệnh rubella trước khi mang thai. Tránh tiếp xúc tia phóng xạ, dùng thuốc và các chất kích thích trong quá trình thai nghén. Người mẹ phải khỏe mạnh trước lúc thụ thai, chăm sóc trước sinh tốt, chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tránh đẻ non tháng, nhẹ cân. Bảo vệ trẻ không bị các bệnh nhiễm trùng và chấn thương sọ não.
Nguồn tin: suckhoe.vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn