Giáo sư Long cho biết thêm, điều trị vi khuẩn HP ngành y mỗi nước có khuyến cáo khác nhau, ở Việt Nam nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị.
Thực tế, các nhà khoa học nhận thấy vi khuẩn HP trong một số trường hợp không hẳn có hại. Nếu không gây ra triệu chứng gì, sự có mặt của HP giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi có một số tác dụng đối với cơ thể. Chẳng hạn, người nhiễm HP ít bị các nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường ruột do HP tiết ra các chất ngăn chặn vi khuẩn khác phát triển. Ngoài ra các triệu chứng trào ngược hay những bệnh lý về dị ứng như với phấn hoa, bụi phấn... cũng giảm.
Vì vậy, giáo sư Long khuyến cáo bác sĩ chuyên ngành khám, tư vấn và quyết định việc điều trị HP để tránh tốn kém cũng như hoang mang lo lắng khi test dương tính mà chưa được điều trị. Người không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói..., không có tổn thương nghi ngờ hoặc có nguy cơ ung thư dạ dày, tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày thì không cần điều trị.
Hai đường lây nhiễm vi khuẩn HP là ăn uống và qua phân. Để phòng bệnh, nên cách ly không dùng chung đồ ăn khi gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Để giảm các triệu chứng viêm loét dạ dày, nên ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, không nên ăn đồ mặn, không thức khuya, giảm stress, năng tập thể dục, yoga, thiền để có tâm trạng thư thái, ngủ đủ giấc rất quan trọng giúp niêm mạc dạ dày kịp thời phục hồi. Bên cạnh đó, tránh ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như có nồng độ axit quá cao, tránh rượu bia... Nếu không tuân thủ các phương pháp trên thì rất có thể khi đã chữa khỏi vi khuẩn HP bạn vẫn bị tái phát. Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt HP khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa./.
Nguồn tin: suckhoe.vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn