Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh sẽ được xây dựng trên tổng diện tích 2.747ha tại khu đất bãi bồi ven biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), với công suất thiết kế 78MW, có từ 18-19 cột tuabin gió.
Các nhà đầu tư thực hiện dự án gồm Công ty cổ phần (CP) Năng lượng tái tạo Ecotech Việt Nam (có trụ sở ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội); Công ty Janakuasa Pte LTD (Singapore) và ông Lâm Minh, quận Ba Đình, Hà Nội. Các nhà đầu tư đã thành lập Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh để thực hiện dự án. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm.
Ông Lâm Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh, cho biết dự án đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 19/5/2016. Hiện nay dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư với mục tiêu là đưa vào vận hành trong quý 1/2020.
Chia sẻ về giá điện gió, ông Minh cho rằng giá điện gió hiện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và có hiệu lực từ 20/8/2011 là 7,8 cents/kWh.
Với giá điện này đối với các dự án điện gió ngoài biển như Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh là khó thực hiện và mức giá đó chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, cùng với việc triển khai khảo sát, đo đạc, lập báo cáo kỹ thuật và các thủ tục đầu tư thì Công ty cũng song hành với đàm phán về giá điện.
Ông Ti Chee Liang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Janakuasa Vietnam Limited, nhà đầu tư Malaysia trong lĩnh vực năng lượng cũng đang xây dựng dự án đầu tiên tại Việt Nam là Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).
Ông Ti Chee Liang đồng thời là Chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh cho biết: “Qua đánh giá của giới tài chính và ngân hàng tôi nhận thấy Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển nhất trong các nước ASEAN những năm vừa qua và những năm tới. Tôi không phải là người Việt nhưng rất muốn đóng góp một phần vào xã hội Việt Nam.”
Mặc dù vậy ông Ti Chee Liang cũng chia sẻ: “Với giá điện là 7,8 cents/kWh ở dự án này thì rất khó thu xếp vốn. Tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng đánh cược vào dự án vì tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và cũng là đóng góp vào việc phát triển các nhà máy điện tại Việt Nam. Tôi cũng tin Chính phủ Việt Nam sẽ nghiên cứu và tính toán lại để đưa giá điện gió ở mức hài hòa hơn, bảo đảm công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo.”
Ông Ti Chee Liang cho biết trong quá trình xây dựng dự án điện gió ở Trà Vinh, chủ đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu của địa phương, đảm bảo đời sống, công ăn việc làm và nhất là môi trường của khu vực đó. Đặc biệt là trong quá trình vận hành và đưa vào sử dụng không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Ratchaburi, nhà phát điện độc lập lớn nhất ở Thái Lan và cũng là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh thực hiện dự án điện gió Hiệp Thạnh. Đây là nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm xây dựng các nhà máy điện than, khí và đã đầu tư ở nhiều nước trên thế giới như Australia, Philippin, Malaysia, Trung Quốc... cũng rất quan tâm đến phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.
Ông Peerawat Pum Thong, Tổng Giám đốc phụ trách Ratchaburi, cho biết nhà đầu tư này đã đầu tư với tổng công suất trên 7.000MW trong tổng công suất nguồn điện của Thái Lan là 42.000MW. Đồng thời cũng đầu tư năm trang trại gió ở Australia với công suất 500 MW và Thái Lan có hai trang trại gió với công suất 100,35 MW/trang trại.
“Do vậy thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam và giúp Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh thực hiện dự án điện gió tại Trà Vinh,” ông Peerawat Pum Thong khẳng định.
Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh là dự án điện gió thứ 4 được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trước đó, tỉnh Trà Vinh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án điện gió, với tổng công suất thiết kế 192 MW, thực hiện trên địa bàn xã Trường Long Hoà (thị xã Duyên Hải) và xã Đông Hải (huyện Duyên Hải).
Các dự án này đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở... để tiến hành khởi công. Các dự án này cũng nằm trong Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020.
Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 4/12/2015, tỉnh Trà Vinh quy hoạch sáu dự án nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; trong đó, có ba nhà máy tại xã Trường Long Hòa, hai nhà máy tại xã Hiệp Thạnh và một nhà máy tại xã Đông Hải.
Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 270MW, sản lượng điện gió tương ứng 634 triệu kWh. Đến năm 2030, công suất lắp đặt khoảng 1.338 MW. Tổng mức đầu tư cho các dự án điện gió nối lưới đến 2020 khoảng 14.313 tỷ đồng.
Tiềm năng điện gió của tỉnh Trà Vinh tương ứng với quy mô công suất khoảng 1.780 MW tập trung tại thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh với ba vùng; trong đó, vùng 1 là vùng bãi bồi và ven biển, cách biên rừng phòng hộ 300m (ở khoảng cách 3km hướng ra biển) thuộc thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, có tốc độ gió bình quân trong năm 6,8 m/s, tổng diện tích khoảng 10.330ha, tương ứng quy mô công suất khoảng 408MW.
Vùng 2 là vùng đất liền nằm trong đê biển, tốc độ gió trung bình trong năm là 6,4 m/s, tổng diện tích khoảng 7.115ha, tương ứng quy mô công suất khoảng 285 MW.
Vùng 3 là vùng ngoài khơi, cách đất liền 10km thuộc thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, tốc độ gió trung bình trong năm là 6,8m/s, tổng diện tích khoảng 22.865 ha, quy mô công suất lắp đặt khoảng 915MW.
Các dự án phát triển năng lượng gió sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế-xã hội của Trà Vinh như: tăng nguồn ngân sách cho địa phương từ thuế, tăng nguồn cung cấp điện tạo việc làm cho người lao động địa phương; tạo cảnh quan thu hút khách du lịch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp bên dưới.
Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành theo Quyết định số 1855/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007), Việt Nam phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.
Còn theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điện VII sẽ đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020 và khoảng 6.200MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.
Nguồn tin: Vietnamplus.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn