Trung tâm Điều dưỡng Người có công Tỉnh Bến Tre - ĐC : 18B, Ấp Mỹ An B, xã Mỹ Thạnh An, Tp.Bến Tre, Tỉnh Bến Tre

Đền thờ Huỳnh Tấn Phát - Bến Tre

Thứ tư - 21/10/2015 08:32
Đền thờ Huỳnh Tấn Phát - Bến Tre
dscn2614 1024x768
dscn2614 1024x768

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (Sáu Phát, Tám Chí ), sinh ngày 15 tháng 3 năm 1913 tại xã Tân Hưng (nay là xã Châu Hưng), huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khi đến tuổi học trung học, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký. Sau đó ông thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Hà Nội) và đậu thủ khoa kiến trúc trường này.

        Ông đi làm một thời gian và mở văn phòng kiến trúc tư đầu tiên ở Sài Gòn (1840). Ông đoạt giải thiết kế và xây dựng Hội chợ triển lãm Đông Dương (vườn ông Tượng, Tao Đàn, năm 1941). Với nhiệt huyết của một trí thức yêu nước, ông chuyển sang hoạt động chính trị, tham gia phát triển nhiều phong trào yêu nước (Chủ nhiệm báo Thanh niên, truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói ở miền Bắc đặc biệt là phong trào Thanh niên tiền phong mà ông là Trưởng ban cổ động).

        Ngày 05 tháng 3 năm 1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương và tham gia giành chính quyền tại Sài Gòn năm 1945. Năm 1946, ông bị bắt tại nhà in số 160 đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng). Trong khám ông được mọi người bầu làm Trưởng ban đại diện “Liên đoàn tù nhân khám lớn Sài Gòn”, biến khám lớn Sài Gòn thành trường học văn hóa, chính trị đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng.

        Năm 1949, sau khi ra tù ông về khu giải phóng và được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ. Ngày 06 tháng 6 năm 1969, tại Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ông làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, ông cùng với các đồng chí Võ Chí Công, Phùng Văn Cung được bầu là những người đứng đầu Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

        Năm 1968, ông chỉ đạo Ban trí vận mặt trận khu Sài Gòn - Gia Định vận động trí thức yêu nước công tác ở Sài Gòn ra chiến khu thành lập Liên minh các lực lượng phong trào dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam. Năm 1976, ông được Quốc hội khóa VI cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1981, Quốc hội khóa VIII cử ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến năm 1982.

        Tháng 6 năm 1982, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, ông còn giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam. Ông chỉ đạo và góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, Tây Ninh,… Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất,...

       Ông mất ngày 30 tháng 9 năm 1989 tại Tp. Hồ Chí Minh.

       Ông Huỳnh Tấn Phát là một trí thức có nhiều uy tín trong xã hội nhưng ông không quan tâm làm giàu mà giành trọn đời mình để lo cho dân, cho nước. Chính vì thế nên khi ông mất, dân làng Tân Hưng đã rước di ảnh ông về thờ tại đình Tân Hưng nhằm giáo dục các thế hệ con cháu ra sức học tập và làm việc như khi sống ông vẫn làm. Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của ông cũng được trưng bày trang trọng tại đây. 

       Đình Tân Hưng hiện tọa lạc tại ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đình được xây dựng trên mảnh đất rộng 2.100m2 trước khi được trùng tu đình gồm 3 ngôi nhà ba gian, hai chái liền nhau theo kiểu “sắp đọi”, mái lợp ngói âm dương. Ngôi đình chính gồm: gian đầu là nhà võ ca, gian giữa là nơi chức sắc trong làng hội họp, gian thứ 3 thờ thần. Tất cả vì kèo, xuyên, trính, bao lam, thành vọng, hoành phi, câu đối, long trụ, khánh thờ đều được làm bằng các loại gỗ quý và được chạm khắc hoa văn phong phú như chim, hoa lan, hoa cúc, trúc, lưỡng long tranh châu, kỳ lân,… đều được sơn son thiếp vàng. Trên nền ngôi đình cũ, đình Tân Hưng được trùng tu khang trang, rộng rãi hơn (khởi công ngày 14 tháng 3 năm 2003 hoàn thành 10 tháng 9 năm 2004) gồm 2 ngôi nhà chính: một ngôi nhà thờ Thành hoàng bổn cảnh, một ngôi nhà thờ Huỳnh Tấn Phát.

        Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Tân Hưng là nơi tập trung những người yêu nước để học tập, bàn bạc kế hoạch thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chi bộ cơ sở. Trong suốt thời kỳ đấu tranh chính trị (1954 - 1959), đình là nơi tập hợp nhân dân để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng bộ Châu Hưng nhằm gây dựng cơ sở và tổ chức lực lượng, phát động đấu tranh chính trị “Chống chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, chống bắt lính, kêu gọi chồng, con, em về với nhân dân”, tổ chức mít tinh lên án bọn Việt gian bán nước hại dân và trừng trị thích đáng bọn này.

        Năm 1963 - 1965, địch đem quân chiếm đóng đình để tiến hành khủng bố, đàn áp nhân dân. Trước sự đoàn kết, thống nhất đấu tranh của quần chúng nhân dân và sự tấn công của lực lượng du kích, địch rút chạy, ngôi đình được trả lại nhân dân nhưng chúng đã làm hư hại nhiều cơ sở vật chất của đình. Năm 1968, cùng với các nơi nổi dậy tấn công Mùa xuân năm 1968, tại địa phương, các vị trong Ban khánh tiết đình Tân Hưng đi dân công, cứu thương phục vụ những trận đánh lớn, nổi bật có Huỳnh Trung Tuyên, Huỳnh Văn Búp, Huỳnh Văn Phường, Nguyễn Văn Thiệt.

        Trong những năm chiến tranh ác liệt, đình là nơi bắn phá của địch vì nơi đây thường xuyên là nơi đi lại và hoạt động của cán bộ, Đảng viên xã Châu Hưng, là nơi gây dựng cơ sở và cất giấu tài liệu, vũ khí. Năm 1972, địch ném 02 quả bom gây thiệt hại nặng cho đình. Ngôi đình tồn tại đến ngày nay minh chứng về lòng nhân nghĩa, ý chí đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam.

        Với ý nghĩa đó, đình Tân Hưng đã được UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định số 1698/QĐ-UB công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh về lưu niệm danh nhân./.

 

Tác giả bài viết: Trần Thị Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
KKKK
mmm